Tin tức
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP, KĨ THUẬT ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH TRÊN LỚP HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
- 04/01/2021
- Posted by: Thu Duong
- Chuyên mục: Cơ bản về khảo thí

Bài viết trình bày về vai trò của đánh giá quá trình, phương pháp, kĩ thuật đánh giá quá trình trên lớp học (vấn đáp, túi hồ sơ bài làm, phương pháp tự đánh giá, chiêm nghiệm, hướng dẫn chấm điểm); ví dụ về một số kĩ thuật đánh giá nhanh trên lớp học.
Tùy theo mục đích của ĐG mà có thể sử dụng các phương pháp, kĩ thuật thu thập thông tin tương ứng. Các loại công cụ ĐG trên lớp học hết sức đa dạng: câu hỏi phát vấn, hệ thống bài tập, thảo luận nhóm, bài tập về nhà, biểu mẫu quan sát, hồ sơ học tập, bài luận,các dự án học tập, các nhiệm vụ thực tiễn, trò chơi…
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một số phương pháp, kĩ thuật, công cụ ĐGQT được các GV ở nước ngoài thưởng sử dụng trong hoạt động ĐG trên lớp học, mà một số trong đó có thể áp dụng được vào thực tiễn giáo dục của Việt Nam do tính chất đơn giản, dễ thực hiện, song có hiệu quả cao.
1. Phương pháp vấn đáp
Một trong những công cụ vấn đáp được các chuyên gia giảng dạy khuyến khích sử dụng là câu hỏi cốt lõi – là những câu hỏi nhằm khuyến khích HS suy nghĩ một cách khái quát về các quan điểm. Đó là những câu hỏi mang tính phổ quát chứ không gắn với một môn học cụ thể nào. Ví dụ: Công bằng là gì? Phát hiện nào là quan trọng nhất trong thế kỉ 20? Có nhất thiết phải có chiến tranh không? Những câu hỏi này đòi hỏi có sự tìm tòi nghiên cứu, thích ứng với nội dung bài học và có tính thực tế cao, khích lệ được các câu trả lời theo nhiều quan điểm khác nhau. Giáo viên có thể sử dụng các câu hỏi này để chấn đoán trước khi bắt đầu bài học và đánh giá sự thay đổi khi học sinh học một đơn vị bài học.

2. Túi hồ sơ bài làm
Là một tập hợp các bài làm của HS, thể hiện sự cố gắng, tiến bộ và kết quả đạt được của HS về một hoặc nhiều lĩnh vực. Có ít nhất 5 loại và hàng chục biến thể khác nhau của túi hồ sơ bài làm:
- Loại giới thiệu sản phẩm: dùng để lưu lại thành tích của học sinh
- Loại giới thiệu quy trình: lưu lại cách HS thực hiện công việc và sản phẩm cuối cùng
- Loại chuyển giao: sử dụng để thông báo cho những GV sau này của HS, cho nhà trường hoặc cho văn phòng tuyển sinh
- Loại lưu niệm: nhằm lưu lại những bài làm mà HS thích nhất hoặc đáng nhớ nhất
Việc ĐG túi hồ sơ bài làm giúp giáo viên hiểu được HS tư suy về cái gì, tư duy như thế nào, coi trọng cái gì và là ai? Nếu được sử dụng hợp lý, túi hồ sơ bài làm có thể trở thành công cụ toàn năng nhất để nhận biết sự tiến bộ, nỗ lực và kết quả đạt được của HS

3. Phương pháp tự ĐG, chiêm nghiệm
“Chiêm nghiệm” được định nghĩa là “hành động suy nghĩ nghiêm túc, suy tưởng; suy ngẫm” của tự bản thân học sinh, ý thức về học tập sao cho phù hợp nhất và tự theo dõi hành vi, sự tiến bộ của chính mình. Không phải tất cả HS đều sẵn sàng hưởng ứng tích cực đối với các hoạt động chiêm nghiệm, vì vậy, GV cần hướng dẫn cho HS bằng cách cùng với HS xây dựng một danh mục các thuộc tính mà các em có thể sử dụng khi ĐG bài làm của mình, chẳng hạn, Thang đo (về sự thành công), Phiếu ĐG (về quá trình hợp tác trong nhóm), Bảng kiểm (về sự tham gia của HS)… GV cũng có thể sử dụng những gợi ý để yêu cầu HS chiêm nghiệm, chăng hạn, “Em chọn bài luận này là vì…”, “Nội dung mà em thích nhất trong bài luận này là…”, “Nếu được tiếp tục hoàn thiện bài này thì em sẽ…”, “Một vấn để em học được trong bài hôm nay là…”, …

4. Hướng dẫn chấm điểm là bản hướng dẫn dùng để xác định và phân biệt trình độ học tập. Hướng dẫn chấm điểm giúp GV dạy các môn khác nhau và các khối lớp khác nhau có chung một ngôn ngữ và một công cụ ĐG, HS có thể theo dõi được hành vi và kết quả học tập của bản thân; Giúp GV có thể lý giải việc cho điểm của mình và giúp những người liên quan như phụ huynh HS, cán bộ thanh tra, cán bộ hành chính năm được các tiêu chí sử dụng để ĐG.

Ví dụ một số kĩ thuật ĐG nhanh trên lớp học
Một số kĩ thuật ĐG nhanh có thể sử dụng cho ĐGQT: 1) Đối với mức độ nhận thức (Bảng hỏi ngắn kiểm tra kiến thức nền, Ma trận trí nhớ, Ma trận đấu hiệu đặc trưng, Bảng kiểm về điểm mạnh yếu, thuận lợi bất lợi, Dàn bài theo cấu trúc, Hồ sơ người nổi tiếng, Tóm tắt trong một câu…);2) Năng lực vận dụng (Nhận diện vấn đề, Lựa chọn nguyên tắc, Hồ sơ giải pháp, Thể áp dụng, Viết lại có định hướng…); 3) Khả năng tự ĐG và phản hồi về quá trình dạy học (Bảng kiểm, kĩ thuật ĐG năng lực tổng hợp, Phiếu Đi sự tham gia vào hoạt động nhóm, Phiếu ĐG về kết quả nhiệm vụ được giao…).
1. Bài kiểm tra nhanh với câu trả lời ngắn có thể chuyển thành bài kiểm tra mang tính ĐG nhiều hơn, thay vì cho điểm, GV có thể đánh dấu những câu trả lời sai của HS, giải thích cho các em hiểu vì sao lại sai và yêu cầu HS sửa lại các câu đó. Hoặc, sau khi HS làm bài xong, GV có thể thảo luận cùng các em ở từng câu hỏi, em nào làm sai sẽ tự sửa lại cho đúng hoặc sẽ được giúp đỡ để hiểu vì sao bị sai.
2. Bài tập 1 phút
Sử dụng bài viết 60 giây làm công cụ lấy thông tin phản hồi vắn tắt có kết thúc mở giúp nắm bắt xem HS đã hiểu chưa, hay đã hiểu sai về một bài giảng/bài đọc/buổi thảo luận như ví dụ dưới đây:
Bản phản hồi 1 phút.
Ý chính của bài học hôm nay là………….
Điều làm tôi hứng thú nhất là ……………
Điều tôi không hiểu là ………………………..
Tên HS (nếu có thể)……………………………..
3. Trao đổi 30 phút: Yêu cầu HS nhận xét bài luận của nhau.
GV có thể chọn ra một số bài luận đã chấm điểm, xóa tên chủ nhân, in ra làm nhiều bản rồi phát cho HS trong lớp. Yêu cầu các nhóm nhỏ sử dụng các tiêu chí do GV đưa ra để ĐG xếp lại các bài đó. Khoảng nửa tiếng sau,nhập các nhóm lại với nhau để so sánh các xếp loại và lí do xếp loại. Những buổi trao đổi 30 phút đó sẽ giúp HS học được rất nhiều trong việc viết các bài luận.
4. Chuỗi hoàn chỉnh các bài tập kiểm tra đánh giá
Học là quá trình tiến triển dần dần chứ không phải là một bước nhảy vọt” duy nhất, vì vậy GV cần bắt đầu ngay từ sớm việc xây dựng một chuỗi hoàn chỉnh các bài tập kiểm tra ĐG khác nhau để có thể hiểu rõ sự tiến bộ của HS.Ví dụ, trong tuần học thứ hai, GV có thể ra bài kiểm tra yêu cầu những câu trả lời ngắn để đo mức độ HS hiểu các thông tin cốt yếu như thế nào. Trong tuần thứ ba, GV có thể nâng độ khó của nhận thức bằng việc yêu cầu HS diễn giải các thông tin đó trong một bài tiểu luận (250 từ) hay một bài kiểm tra ngắn (15 phút). Đến tuần thứ 5 hoặc thứ 6, HS đã có thể viết một bài luận dài và hoàn chỉnh.
Sử dụng các kĩ thuật ĐGQT trên lớp học nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ĐG vì sự tiến bộ của HS, vì thế, trước khi sử dụng chúng, GV cần làm rõ mục đích DH; đồng thời, cần tường minh các mục tiêu DH để định hướng tốt hơn cho HS. ĐG không chỉ là một hoạt động kĩ thuật, mà có ảnh hưởng và tác động đến nhiều người: HS, cha mẹ HS, GV, những người tư vấn tuyển sinh và các nhân viên khác nữa. Điều này liên quan đến khía cạnh đạo đức trong ĐG giáo dục: GV không được vội vàng “dán nhãn” cho HS, không được định kiến, không sử dụng thông tin thu thập được để hạ thấp HS…
Tải bài báo đầy đủ tại:
Tác giả: PGS.TS Đào Thị Oanh
Nguồn: Tạp chí Giáo dục số 372